Trẻ dưới 1 tuổi biếng ăn: 7 nguyên nhân chính và hướng xử lý hiệu quả
- Thanh Phương
- 27 thg 6
- 5 phút đọc
Trẻ dưới 1 tuổi biếng ăn là nỗi lo của nhiều bậc phụ huynh. Tình trạng này không chỉ ảnh hưởng đến sức khỏe mà còn có thể gây chậm phát triển nếu không được xử lý kịp thời. Vậy điều gì khiến bé biếng ăn và làm thế nào để cải thiện?

Nguyên nhân khiến trẻ dưới 1 tuổi biếng ăn
1. Biếng ăn sinh lý
Biếng ăn sinh lý là tình trạng tạm thời do sự thay đổi bên trong cơ thể trẻ. Một số nguyên nhân phổ biến gồm:
Thay đổi giai đoạn phát triển: Trong năm đầu đời, trẻ trải qua nhiều mốc như lật, bò, ngồi. Khi tập trung vào các kỹ năng mới, trẻ thường giảm nhu cầu ăn uống.
Mọc răng: Theo Học viện Nhi khoa Hoa Kỳ (AAP), trẻ thường mọc răng từ 4–7 tháng tuổi. Việc mọc răng đôi khi gây ra cảm giác khó chịu ở nướu, kích ứng, chảy nhiều nước bọt và nhiệt độ cơ thể có thể tăng nhẹ (dưới 38,3 °C), chứ không phải sốt thật sự . Những biểu hiện này có thể khiến trẻ quấy khóc, ngủ không sâu và ăn kém trong vài ngày.
Giảm nhu cầu năng lượng: Khi đạt 1 tuổi, tốc độ tăng trưởng chậm lại nên trẻ có thể ăn ít hơn so với giai đoạn 6–9 tháng trước đó.

2. Biếng ăn bệnh lý
Một số vấn đề sức khỏe có thể ảnh hưởng trực tiếp đến cảm giác ăn ngon của trẻ:
- Thiếu vi chất dinh dưỡng: Thiếu kẽm, vitamin nhóm B, vitamin D hoặc sắt làm giảm cảm giác ngon miệng. Theo UNICEF, khoảng 50% trẻ em Việt Nam dưới 5 tuổi bị thiếu kẽm – yếu tố ảnh hưởng rõ rệt đến vị giác và miễn dịch tiêu hóa.
- Rối loạn tiêu hóa: Táo bón, đầy bụng, tiêu chảy hay nhiễm khuẩn đường ruột đều làm trẻ ăn không ngon và dễ quấy khóc.
Tổn thương miệng – họng: Các bệnh như loét miệng, viêm họng, tưa lưỡi khiến việc ăn uống trở nên đau rát, khiến trẻ sợ ăn.
3. Biếng ăn do thói quen sinh hoạt
Ăn không đúng giờ
Dưới 1 tuổi, hệ tiêu hóa của trẻ chưa hoàn thiện và đang học cách thích nghi với nhịp sinh học. Việc ăn uống thất thường, không theo giờ cố định khiến đồng hồ sinh học bị xáo trộn, trẻ không có cảm giác đói đúng thời điểm. Nếu bữa ăn diễn ra quá sớm khi chưa kịp tiêu hóa hết bữa trước, hoặc quá muộn khi trẻ đã mệt và buồn ngủ, trẻ sẽ có xu hướng ăn ít hoặc từ chối ăn.
Theo Viện Dinh dưỡng Quốc gia, trẻ nhỏ nên ăn đủ 3 bữa chính và 1–2 bữa phụ mỗi ngày, vào những khung giờ cố định để hình thành thói quen ăn uống lành mạnh và giúp cơ thể nhận diện tín hiệu đói – no đúng cách.
Ăn vặt quá gần bữa chính
Việc cho trẻ ăn bánh, uống sữa, nước trái cây hoặc các loại đồ ăn vặt khác sát giờ ăn chính là một trong những nguyên nhân phổ biến gây biếng ăn. Những thực phẩm này tuy không nhiều nhưng lại dễ tạo cảm giác no giả, khiến trẻ không còn nhu cầu ăn bữa chính – nơi cần được bổ sung đầy đủ chất dinh dưỡng hơn.

Vừa ăn vừa xem điện thoại/tivi
Khi trẻ bị phân tâm bởi hình ảnh, âm thanh từ màn hình, bé sẽ không tập trung vào việc ăn, không cảm nhận được mùi vị thức ăn, dẫn đến nhai nuốt kém và tiêu hóa chậm. Về lâu dài sẽ làm giảm hứng thú với ăn uống và tăng nguy cơ biếng ăn kéo dài.
4. Biếng ăn do môi trường và tâm lý
Không khí bữa ăn căng thẳng
Ba mẹ thường xuyên lớn tiếng, ép ăn, dọa nạt hoặc tỏ ra căng thẳng vô tình tạo cho con cảm giác lo sợ, áp lực. Thay vì cảm nhận được niềm vui trong bữa ăn, trẻ chỉ muốn né tránh. Lâu dần, trẻ sẽ hình thành ác cảm với việc ăn uống và biểu hiện biếng ăn sẽ trở nên trầm trọng hơn.
Đồ ăn không hợp khẩu vị
Việc lặp lại một thực đơn nghèo nàn, thiếu sự thay đổi hoặc ép trẻ ăn những món không ưa thích dễ khiến trẻ mất hứng thú với bữa ăn. Cha mẹ có thể cùng trẻ “khám phá” bữa ăn bằng cách gợi ý những món mới, kết hợp nhiều nguyên liệu, trang trí bắt mắt để tăng sự tò mò, kích thích vị giác và tạo cảm giác con đang được chủ động lựa chọn.
Cách xử lý hiệu quả khi trẻ dưới 1 tuổi biếng ăn
1. Đa dạng hóa thực đơn
Thay đổi món ăn thường xuyên, cân đối đủ 4 nhóm chất: tinh bột – đạm – béo – vitamin & khoáng chất. Ưu tiên các thực phẩm dễ tiêu, giàu vi chất như:
Thịt gà, cá hồi, trứng
Rau xanh, củ quả màu cam (bí đỏ, cà rốt…)
Các nguồn thực phẩm giàu kẽm như hàu, tôm, ngũ cốc nguyên cám

2. Tạo nếp ăn đều đặn, đúng giờ
Trẻ 1 tuổi nên có 3 bữa chính và 2 bữa phụ/ngày. Bữa phụ nên cách bữa chính 1.5–2 tiếng. Không nên cho trẻ ăn vặt không kiểm soát giữa các bữa.
3. Giữ tinh thần tích cực trong bữa ăn
Không ép ăn, không dọa nạt
Khuyến khích trẻ ngồi ăn cùng gia đình
Sử dụng bát đũa có hình thú vị để tăng hứng thú
4. Theo dõi và bổ sung vi chất cần thiết
Nếu nghi ngờ trẻ thiếu vi chất, cha mẹ nên đưa bé đi xét nghiệm vi chất và tham khảo tư vấn từ bác sĩ/dược sĩ để bổ sung đúng cách. Việc lựa chọn dạng bổ sung hấp thu nhanh, không gây táo bón, nôn trớ sẽ giúp quá trình cải thiện thuận lợi hơn.
Kết luận
Trẻ 1 tuổi lười ăn là tình trạng không hiếm gặp nhưng hoàn toàn có thể cải thiện nếu cha mẹ hiểu đúng nguyên nhân và can thiệp đúng cách. Quan trọng nhất là giữ tâm lý bình tĩnh, xây dựng thói quen ăn uống lành mạnh và chủ động bổ sung dinh dưỡng phù hợp trong giai đoạn vàng phát triển.
Comments